Các cục thuế đã áp dụng nhiều biện pháp để cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, nhưng kết quả thực tế như “muối bỏ biển”.
Chặn tài khoản ngân hàng, ngừng hóa đơn…
Cục Thuế TP.HCM trong những ngày vừa qua đã ban hành 22 quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty CP nhà Thủ Đức (Thuduc House) với tổng số tiền lên đến 451 tỉ đồng. Trong đó, 365 tỉ đồng là tiền liên quan tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), 75 tỉ đồng là tiền chậm nộp và phần còn lại nợ thuế khác.
Qua công tác thanh tra hồ sơ sau hoàn thuế, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành các quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi toàn bộ số tiền thuế GTGT đã hoàn cho Thuduc House. Hiện phía cơ quan thuế đang chờ thông tin phản hồi từ các ngân hàng mà công ty mở tài khoản. Nhưng điều quan trọng là Thuduc House còn bao nhiêu tiền trong tài khoản để nhà thuế thu hồi cho số nợ nói trên?
Theo Báo cáo tài chính riêng của công ty này, tại thời điểm cuối năm 2020, tiền và tương đương tiền của công ty chỉ có 1,6 tỉ đồng, chỉ bằng 0,35% số tiền thuế bị thu hồi. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất với 8 công ty con trực tiếp và 3 công ty con gián tiếp, tổng cộng số tiền mặt vào cuối năm 2020 là 231,1 tỉ đồng. Giả sử Thuduc House có thể huy động hết số tiền ở công ty con thì cũng chỉ mới trả được khoảng 58% số thuế bị truy thu. Đó là chưa kể sau 2 tháng, số tiền nói trên có thể thay đổi rất nhiều, có thể chỉ còn rất ít. Như vậy việc cưỡng chế thông qua các tài khoản ở ngân hàng của Thuduc House khó đủ số nợ thuế cần thu hồi.
Thuduc House không phải là trường hợp nợ thuế hiếm hoi và dù bị cưỡng chế vẫn không thể thu đủ. Nhiều doanh nghiệp (DN) nợ thuế hàng chục năm trời nhưng đã phá sản, công ty đóng cửa, chủ DN bỏ đi khỏi nơi cư trú… và tài khoản ngân hàng trống rỗng. Vì vậy, việc cưỡng chế như trích tài khoản, ngăn chặn hóa đơn… mà cơ quan thuế áp dụng hoàn toàn không có hiệu quả.
Trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy (H.Nhà Bè, TP.HCM) là một điển hình. Vào tháng 11.2018, số nợ thuế của công ty này là 162,7 tỉ đồng nhưng sau 2 năm, đến tháng 11.2020 đã lên hơn 180 tỉ đồng. Tên DN này liên tục được “bêu” trong các danh sách nợ thuế khủng của TP.HCM nhiều năm qua.
Được biết, cơ quan thuế đã thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế đối với DN này, nhưng không thu hồi được tiền thuế khi tài khoản không còn tiền, DN “chết lâm sàng”; riêng tài sản là các dự án bất động sản đã bán cho người dân.
Nhiều DN khác cũng đã bị “bêu tên” liên tục khi nợ thuế nhiều năm qua cho thấy các biện pháp cưỡng chế thuế của cơ quan quản lý thuế không thành công khá nhiều. Như chi nhánh Công ty TNHH đá xây dựng Bình Dương tại TP.HCM tháng 11.2018 còn nợ hơn 118 tỉ đồng và đến 2 năm sau tiếp tục nợ lên 130,5 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV cây trồng TP.HCM vào tháng 11.2019 nợ gần 218 tỉ đồng thì sau hơn 1 năm số tiền thuế tăng lên 234 tỉ đồng…
Tương tự, Cục Thuế Hà Nội cũng đã liên tục công khai nhiều đơn vị nợ thuế dai dẳng (giai đoạn 2015 – 2019) và tính đến hết tháng 7.2020 vẫn còn nợ như Công ty cổ phần cầu 12 – Cienco1 với số nợ hơn 77 tỉ đồng; Công ty CP Vinaconex 21 nợ hơn 23 tỉ đồng…
Nợ khó thu chiếm gần 50%
Trong năm 2020, cơ quan thuế TP.HCM đã ban hành 88.172 quyết định cưỡng chế số tiền nợ thuế 62.328 tỉ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ về số lượng và giảm 5,7% về số thuế nợ. Tổng số thuế đã xử lý thu hồi được là 10.657 tỉ đồng, chỉ chiếm 17% tổng số nợ thuế cưỡng chế. Tính đến năm 2020, lũy kế số nợ thuế tại TP.HCM là 23.027 tỉ đồng, giảm 5,6% so với năm 2019 nhưng số nợ thuế khó thu khá cao với 10.594 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 46,02% tổng tiền thuế…
Tổng cục Thuế từng nhận định từ khi mức phạt chậm nộp thuế được giảm từ 0,05% xuống 0,03%/ngày vào giữa năm 2016, số lượng các DN cố tình nợ thuế dưới 90 ngày tăng lên đáng kể. Thực tế nếu tính theo tháng thì số tiền phạt chậm nộp mỗi tháng chỉ ở mức 0,9%, khoảng 10,8%/năm, trong khi đó lãi vay ngân hàng dao động từ 7 – 9%/năm nhưng phải có tài sản thế chấp. Thế nên nhiều DN cố tình để lại tiền thuế thay vì phải đi vay vốn.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng sở dĩ nợ thuế của DN ở mức cao một phần do tiền chậm nộp thuế chỉ 0,03%/ngày nên một số DN chiếm dụng tiền này để sử dụng do thấp hơn lãi suất vay ngân hàng. Thêm vào đó, các DN gần đây gặp khó khăn, nên nhiều DN tê liệt, chưa giải thể được… dẫn đến việc nợ thuế hay cưỡng chế thuế không được hiệu quả.
Theo ông Xoa, khi cơ quan thuế ra các quyết định về thuế, DN phải đóng dù có kiện ra tòa, quá thời hạn quy định thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Trước đây, các biện pháp cưỡng chế thuế được thực hiện theo từng bước nhưng quy định mới hiện nay không cần theo trình tự thủ tục. Đặc biệt, khi cơ quan thuế thấy thu hồi được bằng biện pháp nào có thể áp dụng ngay. Một trong những biện pháp cưỡng chế thuế khá mạnh tay được luật cho phép mà cơ quan thuế hiện ít khi áp dụng, đó là gửi đơn đề nghị phá sản DN lên tòa án. Nếu áp dụng biện pháp này, cơ quan thuế sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng khác để thống kê tài sản, giữ tài sản của DN cho việc thu hồi tiền thuế.
“Cơ quan thuế nên có một bộ phận riêng để thực hiện truy tìm tài sản của đối tượng nộp thuế, tránh tình trạng tẩu tán tài sản”, ông Xoa nhấn mạnh.
Mạnh tay đòi nợ
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế – Hải quan (Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM), nhận định những DN cố tình chây ì không nộp thuế có thể ban đầu tính toán để vốn lưu động, nhưng sau đó tình hình tài chính không tốt, hết tiền nên kéo dài số nợ. Các cơ quan thuế phải làm quyết liệt hơn. Chẳng hạn có thể áp dụng thủ tục tuyên bố DN phá sản để tòa án phong tỏa tài sản. Sau đó thực hiện quy trình kê biên và đấu giá tài sản nhằm thu hồi nợ thuế.
Nghị định 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật Quản lý thuế, cơ quan thuế có quyền áp dụng một số biện pháp cưỡng chế nợ thuế như đề nghị cơ quan hải quan thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.Đồng thời, quyết định cưỡng chế sẽ có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày ban hành (trước đó, quyết định cưỡng chế tài khoản chỉ có hiệu lực sau 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định).
Còn theo TS Châu Huy Quang – luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, quy định của pháp luật về vấn đề chế tài xử lý đối với hành vi trốn thuế, nợ thuế tương đối đủ. Theo điều 125 luật Quản lý thuế 2019, cơ quan thuế được phép thực thi 7 nhóm biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế. Tuy nhiên, hoạt động thu hồi nợ thuế chưa hiệu quả xuất phát từ một số nguyên nhân như việc phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan có chức năng quản lý khác (Sở Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước…) còn chưa hiệu quả, dẫn đến việc thu thập thông tin về tài sản của DN chậm nộp thuế còn gặp khó khăn.
Thứ hai, mức phạt, lãi chậm nộp thuế còn chưa cao, dẫn đến việc DN chưa coi trọng việc nộp thuế đúng hạn. Thứ ba, nhiều DN không hiểu rằng phải nộp thuế trong thời gian được cơ quan thuế ấn định sau khi có kết luận thanh tra hay biên bản xử phạt. Điều này dẫn đến việc tiền thuế nợ đọng kéo dài vì DN khiếu nại nhiều lần và khởi kiện hành chính. Nói cách khác, các thủ tục tố tụng tư pháp kéo dài, thi hành án kéo dài trong lĩnh vực thuế cũng góp phần làm việc thực thi nghĩa vụ thuế bị ách tắc. Cuối cùng, pháp luật về thuế còn chưa cụ thể, rõ ràng khiến DN gặp khó khăn trong việc khai báo và nộp đúng số thuế theo quy định, rồi khiếu nại hay khiếu kiện hành chính sau mỗi đợt thanh tra.